Đại Thanh tần phi Lệnh_Ý_Hoàng_quý_phi

Nhập cung

Theo những ngự chế thơ của Càn Long Đế đề cập, Ngụy thị chịu sự giáo dục của Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu. Thực tế, cụm từ "giáo dục" này có hàm nghĩa bao la, vì Hoàng hậu là 「"Hậu cung chi chủ"」, thống soái của toàn bộ nội, ngoại mệnh phụ, nên trên thực tế có nghĩa vụ bao quát, chỉ điểm bất kì ai cũng có thể xưng là giáo dục. Dựa theo những gì có được, Ngụy thị chưa chắc ngay từ đầu đã được Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu trực tiếp quản lý, nhưng dựa vào gia thế trong Nội vụ phủ Bao y, tổ phụ của gia đình bà được nhậm những chức quan quan trọng, cũng như anh em chú bác đều là quan viên Nội vụ phủ tầm trung, có thể thấy tuy là thân phận cung nữ, nhưng Ngụy thị cũng có gia thế nhất định trong các nữ tử Bao y. Do vậy, có lẽ Ngụy thị không thể nào theo hầu một phi tần cấp thấp hoặc làm công việc hèn mọn, nên có thể là thân cận do đích thân Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu chỉ bảo. Cũng theo Ngự chế thơ của Càn Long Đế biểu hiện ra, Ngụy thị không chỉ được Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu chỉ bảo, mà việc Ngụy thị trở thành tần phi cũng là do Hoàng hậu tiến cử lên. Không rõ thời gian bà trở thành tần phi chính thức của Càn Long Đế, chỉ biết tư liệu về bà ghi sớm nhất vào thời Càn Long đã là Quý nhân. Theo lệ của những người cùng xuất thân với bà như Mân Quý phi thời Hàm Phong, thì trước đó có lẽ bà đã trải qua vị trí Thường tại hoặc Đáp ứng, những vị trí vốn dùng để phong Cung nữ tử dần lên tần phi. Tuy nhiên, xuất thân Chính Hoàng kỳ Bao y, có gia thế ở Nội vụ phủ, cộng thêm do Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu đề bạt, cũng không loại trừ khả năng Ngụy thị được cất nhắc đặc biệt mà có ngay vị trí Quý nhân.

Năm Càn Long thứ 10 (1745), ngày 23 tháng 1 (âm lịch), Càn Long Đế ra chỉ dụ tấn phong Quý phi Cao thị làm Hoàng quý phi, đồng thời đại phong hậu cung, Nhàn phi Na Lạp thị cùng Thuần phi Tô thị thăng Quý phi, Du tần lên Phi, còn Quý nhân Ngụy thị được phong Tần[2]. Từ tước Tần thì các hậu phi sẽ có phong hiệu, và phong hiệu của Ngụy thị được chọn là [Lệnh; 令]. Căn cứ Hồng xưng thông dụng (鴻稱通用) của Nội vụ phủ soạn thảo, "Lệnh" theo Mãn ngữ có âm rằng 「Mergen」, nghĩa là "Thông tuệ", "Sáng suốt".

Ngày 17 tháng 11 (âm lịch) cùng năm ấy, lấy Công bộ Thượng thư Đạt Ha (達哈) làm Chính sứ, Nội các Học sĩ Ngũ Linh An (伍齡安) làm Phó sứ, hành lễ sách phong Lệnh tần[3].

Sách văn:

朕惟仰事璇闱。必选柔嘉之质。佐徽、椒掖。久推淑慎之姿。载考彝章。特加锡命。咨尔贵人魏氏、久娴姆教。长奉女箴。礼法是宗。凛小心而严翼。敬勤弗怠。遵内则以温恭兹仰承皇太后慈谕。册封尔为令嫔。尔其只膺巽命。迓景福以咸绥。益懋壸仪。荷鸿庥于方永。钦哉。

.

Trẫm duy ngưỡng sự toàn vi. Tất tuyển nhu gia chi chất. Tá huy, tiêu dịch. Cửu thôi thục thận chi tư. Tái khảo di chương. Đặc gia tích mệnh.

Tư nhĩ Quý nhân Ngụy thị, cửu nhàn mỗ giáo. Trường phụng nữ châm. Lễ pháp thị tông. Lẫm tiểu tâm nhi nghiêm dực. Kính cần phất đãi. Tuân nội tắc dĩ ôn cung. Tư ngưỡng thừa Hoàng thái hậu từ dụ, sách phong nhĩ vi Lệnh tần.

Nhĩ kỳ chỉ ưng tốn mệnh. Nhạ cảnh phúc dĩ hàm tuy. Ích mậu khổn nghi. Hà hồng hưu vu phương vĩnh. Khâm tai.

— Sách văn Lệnh tần

Thụ phong Quý phi

Năm Càn Long thứ 13 (1748), ngày 1 tháng 7 (âm lịch), Càn Long Đế sách lập Nhàn Quý phi Na Lạp thị làm Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi. Do sự kiện trọng đại, Càn Long Đế quyết định đại phong hậu cung, gia thưởng thêm 4 người là Gia phi lên Quý phi, Thư tần cùng Lệnh tần lên Phi, và Trần Quý nhân lên Tần[4]. Sang năm sau (1749), vào ngày 5 tháng 4 (âm lịch), chính thức cử hành lễ sắc phong, lấy Lại bộ thượng thư Trần Đại Thụ (陳大受) làm Chính sứ, Lễ bộ Thị lang Mộc Hòa Lâm (木和林) làm Phó sứ, hành lễ sách phong Lệnh phi (令妃)[5].

Năm Càn Long thứ 21 (1756), ngày 21 tháng 4 (âm lịch), Lệnh phi Ngụy thị do mang thai nên thêm than, sang ngày 26 thêm nhũ mẫu, đến ngày 4 tháng 6, cho thêm thái y[6]. Ngày 15 tháng 7, sinh hạ Thất công chúa, tức Cố Luân Hòa Tĩnh Công chúa tại Ngũ Phúc đường (五福堂), một cư thất ở Viên Minh Viên. Không lâu sau, năm thứ 22 (1757), ngày 26 tháng 5, Lệnh phi do mang thai nên thêm than, ngày 27 thêm đại phu, đến 11 tháng 6 thêm nhũ mẫu.[7] Ngày 17 tháng 7, buổi trưa, Ngụy thị hạ sinh Hoàng thập tứ tử Vĩnh Lộ, là Hoàng tử đầu tiên trong số 6 người con của bà. Sang năm thứ 23 (1758), ngày 14 tháng 7, giờ Tuất, Lệnh phi lại tiếp tục sinh Hoàng cửu nữ, tức Hòa Thạc Hòa Khác Công chúa. Có thể thấy đây là giai đoạn mà Ngụy thị sinh nở liên tục nhất.

Năm thứ Càn Long 24 (1759), Lệnh phi Ngụy thị lại mang thai. Ngày 10 tháng 6 (âm lịch) được gia tăng than sưởi, phân bổ thái y và bà đỡ túc trực. Ngày 22 tháng 6, nữ tử học quy củ chỗ Lệnh phi phong Thụy Thường tại. Ngày 24 tháng 9, tất cả các đãi ngộ trên bị đình chỉ, nguyên do Lệnh phi vì dạy dỗ quy củ quá độ sẩy thai. Ngày 21 tháng 11 cùng năm, ra chỉ dụ Lệnh phi Ngụy thị được thăng làm Lệnh Quý phi (令貴妃).

Ngày 17 tháng 12 (âm lịch) cùng năm, lấy Đại học sĩ Phó Hằng làm Chính sứ, Hiệp bạn Đại học sĩ Lưu Thống Huân làm Phó sứ, hành Quý phi sách phong lễ[8].

Lệnh Quý phi Ngụy thị

朕为化起二南。赞理必资乎淑德。官分九御。褒荣递进夫崇阶。爰沛纶音。式加象服。尔令妃魏氏。素娴女诫。早侍掖庭。勤慎居心。柔嘉著范。钦承圣母。供内职以无违。敬佐中宫。禀徽音而有恪。前晋封乎妃秩。已越十年。今称庆于宫闱。恭逢万寿。奉皇太后慈谕。册封尔为贵妃。尚其克承荣锡。永流翟舀之光。益懋芳徽。式协珩璜之度。钦哉。

.

Trẫm vi hóa khởi nhị nam. Tán lý tất tư hồ thục đức. Quan phân cửu ngự. Bao vinh đệ tiến phu sùng giai. Viên phái luân âm. Thức gia tượng phục.

Nhĩ Lệnh phi Ngụy thị. Tố nhàn nữ giới. Tảo thị dịch đình. Cần thận cư tâm. Nhu gia trứ phạm. Khâm thừa thánh mẫu. Cung nội chức dĩ vô vi. Kính tá trung cung. Bẩm huy âm nhi hữu khác. Tiền tấn phong hồ phi trật. Dĩ việt thập niên. Kim xưng khánh vu cung vi. Cung phùng vạn thọ.

Phụng Hoàng thái hậu từ dụ, sách phong nhĩ vi Quý phi.

Thượng kỳ khắc thừa vinh tích. Vĩnh lưu địch yểu chi quang. Ích mậu phương huy. Thức hiệp hành hoàng chi độ. Khâm tai.

— Sách phong Lệnh Quý phi

Bức tranh trên có tên là Tắc Yến Tứ Sự Đồ (塞宴四事图) của Lang Thế Ninh, cũng là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Lúc này, Lệnh Quý phi Ngụy thị đang mang bầu Hoàng thập ngũ tử Vĩnh Diễm hơn 7 tháng và chỉ chưa đầy 1 tháng sau là sinh con. Trong bức "Tắc yến tứ sự đồ" không khó để nhận ra hình ảnh của Lệnh Quý phi trong nhóm phi tần bồi giá xuất hiện trong tranh. Bảy vị đứng trước doanh trại, Lệnh Quý phi Ngụy thị đang mang thai ở những tháng cuối nên được sáu người còn lại dìu đỡ. Vị đang đỡ tay Quý phi là Khánh phi, vị mặc đồ Mông CổDự phi. Vị đứng phía sau là Thư phi, từ trái qua phải tiếp đó là Hãn phi, Dĩnh phiDung tần.

Theo truyền thống của Càn Long Đế, khi ông sắc phong Quý phi thì sẽ ra chỉ dụ tế cáo Hậu điện Thái Miếu[note 4] cùng Phụng Tiên điện (như đã làm với Nhàn Quý phi, Thuần Quý phi,[9] Gia Quý phi[10]), nhưng đến khi ra chỉ dụ sắc phong Lệnh phi làm Quý phi thì miễn không cử hành.[11] Ngược lại vào năm Càn Long thứ 33 (1768), Khánh Quý phi được sách phong, Càn Long Đế vẫn ra chỉ dụ tế cáo Thái Miếu hậu điện[12].

Năm Càn Long thứ 25 (1760), ngày 18 tháng 3 (âm lịch), con trai đầu của Lệnh Quý phi là Hoàng thập tứ tử Vĩnh Lộ, trong quá trình chủng đậu thì mất, khi năm 3 tuổi. Cùng năm ấy, vào ngày 6 tháng 10 (âm lịch), giờ Sửu, Lệnh Quý phi Ngụy thị sinh được Hoàng thập ngũ tử Vĩnh Diễm tại Thiên Địa Nhất Gia Xuân (天地一家春), một cư thất ở hành cung Viên Minh Viên, đây chính là Gia Khánh Đế tương lai. Năm thứ 27 (1762), ngày 30 tháng 11 (âm lịch), Ngụy thị lại hạ sinh Hoàng thập lục tử, nhưng Hoàng tử chết yểu do bệnh đậu mùa khi mới 2 tuổi.

Tấn phong Hoàng quý phi

Năm Càn Long thứ 30 (1765), tháng 1, Lệnh Quý phi Ngụy thị được theo hầu Càn Long Đế và Kế Hoàng hậu Na Lạp thị đi tuần du phía nam sông Dương Tử, Thái Sơn, và Nhiệt Hà, xuyên qua các vùng Dương Châu, Tô Châu, Giang NinhHàng Châu. Đi theo còn có Khánh phi Lục thị, Dung tần Hòa Trác thị, Vĩnh Thường tại Uông thị và Ninh Thường tại[13]. Tháng 2 năm đó, cả đoàn Nam tuần đi đến Hàng Châu, sang ngày 18 tháng 2 thì Hoàng hậu Na Lạp thị đột ngột xảy ra chuyện.

Ngày 9 tháng 5 (âm lịch) cùng năm, sau khi Nam tuần trở về, Càn Long Đế vấn an Sùng Khánh Hoàng thái hậu, rồi phụng ý chỉ của Hoàng thái hậu, chỉ dụ tấn phong Lệnh Quý phi làm Hoàng quý phi[14]. Sang ngày 11 tháng 6 (âm lịch) cùng năm, mệnh Đại học sĩ Phó Hằng làm Chính sứ, lấy Hiệp bạn Đại học sĩ Lễ bộ Thượng thư Trần Hoành Mưu (陳宏謀) làm Phó sứ, tuyên phong lễ cho Ngụy thị làm Hoàng quý phi. Sau đó Càn Long Đế sai khiển quan viên đi tế cáo Thái Miếu, Phụng Tiên điện[15].

Sách văn rằng:

Hoàng quý phi Ngụy thị

朕惟彤闱赞化。本敬顺以扬庥。紫掖升名。表恪恭而锡庆。爰稽彝典。式播温纶。咨尔令贵妃魏氏、早侍深宫。夙娴懿范。襄廿年之内治。麟趾凝祥。超九御之崇班。凤章优秩。自膺册命。益茂芳徽。只事小心。克承欢于璇殿。含章明顺更流誉于椒庭。兹仰奉皇太后懿旨。以册宝晋封尔为皇贵妃。尚其勉副慈恩。光昭壸德。永怀淑慎。辉翟服以垂型。弥凛谦冲。绵鸿禧而迓福。钦哉。

...

Trẫm duy đồng vi tán hóa. Bổn kính thuận dĩ dương hưu. Tử dịch thăng danh. Biểu khác cung nhi tích khánh. Viên kê di điển. Thức bá ôn luân.

Tư nhĩ Lệnh Quý phi Ngụy thị, tảo thị thâm cung. Túc nhàn ý phạm. Tương nhập niên chi nội trị. Lân chỉ ngưng tường. Siêu cửu ngự chi sùng ban. Phượng chương ưu trật. Tự ưng sách mệnh. Ích mậu phương huy. Chỉ sự tiểu tâm. Khắc thừa hoan vu toàn điện. Hàm chương minh thuận canh lưu dự vu tiêu đình.

Tư ngưỡng phụng Hoàng thái hậu ý chỉ, dĩ sách bảo tấn phong nhĩ vi Hoàng quý phi.

Thượng kỳ miễn phó từ ân. Quang chiêu khổn đức. Vĩnh hoài thục thận. Huy địch phục dĩ thùy hình. Di lẫm khiêm trùng. Miên hồng hi nhi nhạ phúc. Khâm tai.

— Hoàng quý phi Ngụy thị sách văn[16]

Năm Càn Long thứ 31 (1766), ngày 11 tháng 5, Ngụy thị hạ sinh Hoàng thập thất tử Vĩnh Lân. Trong thời gian làm Hoàng quý phi, Ngụy thị ở tại Trữ Tú cung.

Từ khi Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu Phú Sát thị và Kế Hoàng hậu Na Lạp thị liên tiếp băng thệ, các vị Tuệ Hiền Hoàng quý phi Cao thị, Thuần Huệ Hoàng quý phi Tô thị và Thục Gia Hoàng quý phi Kim thị cũng lần lượt hoăng thệ, Ngụy thị là ở vị thế Hoàng quý phi mà trở thành phi tần có tước vị cao nhất, ở vị trí Hoàng quý phi được 10 năm, đồng thời là Hoàng quý phi tại vị cuối cùng dưới thời Càn Long.

Từ khi chính thức sách phong, Nguỵ thị là một trong số ít các hậu phi được đi theo Càn Long Đế trong mỗi chuyến tuần du phương xa. Năm Càn Long thứ 22 (1757), khi đang mang bầu hoàng thập tứ tử Vĩnh Lộ được ba tháng, bà cũng tham gia đoàn nam tuần đến Giang Nam. Chuyến đi năm đó kéo dài vài tháng, lúc trở về, long thai của Ngụy thị đã đến tháng thứ 7, sức khoẻ có dấu hiệu bất ổn. Càn Long Đế phụng chỉ của Thái hậu, để bà và Thái hậu rời đoàn, di chuyển với tốc độ chậm hơn để đảm bảo mẫu tử bình an. Khi mang thai Hoàng thập thất tử Vĩnh Lân, Ngụy thị tiếp tục theo Càn Long đi hành cung Nhiệt Hà. Sau khi trở về hoàng cung, Càn Long Đế hạ lệnh cho bà vào an thai trong Thể Thuận đường (體順堂), tức Đông Nhĩ phòng của Dưỡng Tâm điện[note 5]. Đây là một phòng nhỏ thường dùng để thị tẩm Hoàng hậu, Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu trước khi qua đời, song song với việc ở Trường Xuân cung thì cũng hay ở lại đây, Kế Hoàng hậu Na Lạp thị khi còn là Hoàng quý phi cũng từng trú tại đây.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lệnh_Ý_Hoàng_quý_phi http://db.cssn.cn/sjxz/xsjdk/zgjd/sb/jsbml/qsljqcs... http://db.cssn.cn/sjxz/xsjdk/zgjd/sb/jsbml/qsljqcs... http://book.douban.com/subject/1024528/ http://www.guoxuedashi.com/a/5701m/89162c.html http://www.guoxuedashi.com/a/5701m/89665y.html http://www.guoxuedashi.com/a/5701m/90417w.html http://www.metrodaily.hk/metro_news/%E6%AD%B7%E5%8... http://www.royalark.net/China/manchu9.htm http://soha.vn/bi-an-thi-the-lenh-phi-van-nguyen-v... https://book.douban.com/subject/2217500/